Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019, để tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC của Bộ theo đúng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tạo sự chuyển biến thực chất về môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh lĩnh vực nông nghiệp, các đơn vị thuộc Bộ cần tập trung những nhiệm vụ cụ thể như sau:
-
Cải cách thể chế, tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành
- Thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành các Nghị định, thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt có quy định thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, không tạo ràn cản gia nhập thị trường, không làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.
- Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành: (i) áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của doanh nghiệp và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hóa; (ii) chuyển mạnh sang hậu kiểm, chủ yếu thực hiện tại giai đoạn lưu thông hàng hóa tại thị trường nội địa; (iii) minh bạch về danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành kèm mã số HS ở cấp độ chi tiết; minh bạch về chế độ quản lý và chi phí.
- Rà soát văn bản quy định, chỉ định các tổ chức chứng nhận phù hợp, triển khai mạnh mẽ xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành.
- Rà soát các nhóm hàng chịu 2 hoặc nhiều hình thức kiểm tra chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ; thống nhất giao một đầu mối thực hiện 01 thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chồng chéo .
- Xây dựng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ kiểm tra chuyên ngành.
-
Cải cách thủ tục hành chính
- Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định TTHC, đảm bảo các nguyên tắc đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC; đồng thời cũng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả các quy định về TTHC; bảo đảm tính liên thông giữa các TTHC liên quan, thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, minh bạch, hợp lý.
- Thực hiện việc cập nhật, công bố, công khai kịp thời, đúng quy định các TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bị bãi bỏ, hủy bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.
- Để việc xây dựng, triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cung cấp dịch vụ công trực tuyến có hiệu quả, tránh lãng phí, trước hết cần tiếp tục rà soát, chuẩn hóa, sửa đổi, bổ sung các quy định về TTHC theo định hướng: cắt giảm các TTHC không cần thiết; đơn giản hóa quy trình, thủ tục và bộ hồ sơ, chứng từ.
-
Cải cách tổ chức bộ máy
- Tiếp tục rà soát, đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT nhằm hạn chế chồng chéo, trùng lắp, bỏ trống nhiệm vụ giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với các Bộ, ngành có liên quan.
- Thực hiện phê duyệt phương án, đề án sắp xếp tổ chức bên trong của các Tổng cục, Cục, Vụ phù hợp với tiêu chí quy định tại Nghị định thay thế Nghị định 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ và quy định của pháp luật (tiêu chí thành lập Tổng cục, vụ, phòng, chi cục,…) và chỉ đạo chung của Chính phủ.
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy định về phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giữa Bộ và UBND cấp tỉnh trong giải quyết thủ tục hành chính.
-
Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức
- Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành hệ thống tiêu chuẩn chức danh những người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thí điểm và thực hiện thi tuyển các chức danh lãnh đạo quản lý cấp vụ, cục, phòng và tương đương thuộc Bộ; thi tuyển, thuê giám đốc điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ công chức; kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những người không đáp ứng yêu cầu công việc, có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu dân.
- Thực hiện nghiêm quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đảm bảo nguyên tắc xác định rõ vị trí việc làm, giảm cấp phó và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
- Quản lý chặt chẽ biên chế công chức, viên chức; đến năm 2021, kiên quyết tinh giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015 và tiếp tục thực hiện tinh giản các năm tiếp theo; kiên quyết cơ cấu lại đội ngũ; giảm số người thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ.
-
Cải cách tài chính công
- Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc theo phân công của Chính phủ tại Nghị quyết số 08/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW.
- Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý.
- Chuyển một số dịch vụ công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm (như: cấp nước sạch nông thôn; quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ,...).
- Thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ có đủ điều kiện sang công ty cổ phần (trừ các bệnh viện, trường học), nhất là đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác.
- Rà soát, hoàn thiện quy hoạch, định hướng mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và từng địa phương.
- Thực hiện trình tự, thủ tục sắp xếp một số đầu mối trực thuộc Bộ và trực thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ.
-
Đấy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, Bộ không giấy tờ
- Đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo đúng kế hoạch đã phê duyệt, cụ thể: năm 2019-2020, Bộ sẽ xây dựng, kết nối 17 TTHC (Cục Thú y: 14; Cục Bảo vệ thực vật: 3); trong đó, năm 2019, xây dựng 10 (Cục Thú y: 9; Cục Bảo vệ thực vật: 01).
- Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến: Rà soát, xây dựng, thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ đáp ứng yêu cầu quy định.
- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về quy định gửi, nhận văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước; giảm tối đa tỷ lệ văn bản giấy tờ trong chỉ đạo điều hành; rút ngắn quá trình xử lý công việc, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất công việc của công chức, viên chức.
-
Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp CCHC góp phần tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn trong quản lý, điều hành của Bộ. Thủ trưởng các đơn vị cần xác định rõ các nội dung cơ bản, nhiệm vụ trọng tâm để chỉ đạo một cách thống nhất, quyết liệt, hiệu quả các nội dung CCHC đảm bảo yêu cầu, chất lượng.
- Các đơn vị đầu phối phụ trách các lĩnh vực CCHC được phân công (Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Bộ), bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chủ động tham mưu, đề xuất, nhận diện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai, kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ để chỉ đạo xử lý, tháo gỡ./.